NGHÍA QUA 19+ MÓN ĂN ĐẶC SẢN GIA LAI NHẤT ĐỊNH PHẢI THỬ

  Người người nhà nhà đều chọn phố núi Gia Lai để làm nơi ghé chân cho chuyến du lịch mùa hè. Ngoài việc đi check-in với những địa điểm cực hot hay thưởng thức món cafe trứ danh, thì đừng quên thưởng thức những món ăn dân dã nơi đây. Ngoài những món nổi tiếng khắp cả nước như: phở khô, cơm lam… thì còn những món bạn sẽ cực ngạc nhiên khi được thưởng thức. Hãy cùng FC Vietnam điểm danh những món ăn đặc sản Gia Lai nhất định phải thử nào!

Yaourt muối?!
  Món đầu tiên đã có một cái tên cực xoắn não. Còn gì tuyệt vời hơn được thưởng thức 1 hũ Yaourt hay kem mát lạnh vào một ngày hè oi ả. Sữa chua Pleiku là sự kết hợp giữa vị chua ngọt lên men tự nhiên, lại thêm một chút béo ngậy của dừa và sữa. Cái đặc biệt của món Yaourt này là được ăn kèm với một chút muối cực lạ miệng. Địa chỉ bỏ túi để thưởng thức Yaourt muối là quán Yaourt Thuỷ trên đường Nguyễn Du (gần sân vận động Pleiku) hay một số quán trên đường Cù Chính Lan.
  Ngoài ra, nếu bạn muốn mua kem thì có thể đến quán kem tự chọn Mochi (đường Hùng Vương), kem 38 (đường Cách Mạng), kem Thăng Long (đường Hoàng Văn Thụ). Những nơi này được đánh giá tốt về chất lượng cũng như có nhiều loại kem để lựa chọn.
Phở khô Gia Lai
  Phở khô Gia Lai còn được gọi là “phở hai tô” vì món này bao gồm 1 tô phở khô và 1 tô nước dùng đi kèm. Món phở khi ăn thì cho thêm tóp mỡ, giá đỗ, rau thơm… rồi cho nước xốt và trộn đều. Vị beo béo của tóp mỡ, mùi thơm của rau, thanh mát của bún thì cứ phải gọi là “hết nước chấm”. Sau đó lại húp nước dùng nóng hổi mà đậm đà. Sợi phở khô không mềm và dẹt như sợi bánh phở thông thường, mà có dáng tròn, mảnh và dai. Vì vậy mà khi trộn đều lên với full topping và nước xốt, sợi phở dễ thấm gia vị nhưng không bị nát.
Bún cua thối
  Bún cua thối là đặc sản Gia Lai nhưng không phải ai cũng dám thử. Món này có mùi thum thủm vì cua đồng trước khi nấu đã được ủ một đêm cho lên men. Dần người ta gọi là bún riêu thối để phân biệt với các món bún riêu khác. Món bún đặc biệt này là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, da heo chiên giòn, phồng tôm, rau sống…
  Không phải ai cũng chịu được mùi nồng của nước cua lên men. Các thực khách đều công nhận rằng nếu bỏ qua được cảm giác ban đầu thì thưởng thức bún cua thối có vị ngon riêng, cay tê với nước dùng thanh mát. Biết đâu lại bị nghiện đó.
Gà nướng PleiTieng
  Gà nướng Pleitieng (còn gọi là “gà nướng mọi”) ăn với cơm lam được kem là thứ đặc sản mà bất kỳ người Gia Lai nào cũng cực tự hào. Món này luôn xuất hiện trong các mâm cơm mời khách của người phố núi.
  Gia vị ướp gà là bí kíp để món gà nướng PleiTieng thơm ngon hơn bao giờ hết. Có thể kể đến các gia vị: mật ong, tỏi, sả, ớt, ngũ vị hương và công thức ngon bất bại của người Gia Lai. Với công thức gia truyền thì chỉ cần ngửi mùi khói nướng, người sành ăn có thể cảm nhận được vị thơm ngon đến tận miếng cuối cùng.
Gỏi lá
  Khi du lịch Gia Lai xinh đẹp, bạn có thể dễ dàng tìm và thưởng thức món đặc sản nổi tiếng của núi rừng Tây Nguyên. Món gỏi này có mặt ở nhiều nơi nhưng gỏi lá Pleiku đặc biệt hơn với 30 loại lá khác nhau. Thậm chí có nơi còn có nhiều loại hơn để ăn kèm. Có thể kể đến một số loại lá thân quen như: cải, sung, tía tô, đinh lăng, mơ, húng, hành… và những loại lá mà chỉ Pleiku đại ngàn mới có.
  Và sự đặc biệt ấy còn đến từ nước chấm được làm từ gạo nếp lên men. Gạo nếp sau khi lên men đem ủ với tôm khô, thịt ba chỉ rồi xay nhuyễn sau đó thêm hành phi thơm, mẻ, sa tế, gia vị rồi đem đi hầm. Nước chấm sền sệt, thơm ngậy và thơm ngon ngất ngây. Đồ ăn kèm là món thịt ba chỉ luộc thái mỏng, tôm Biển Hồ, bì lợn luộc.
Bò một nắng
  Thịt bò chỉ phơi đúng một nắng cho vừa héo nên khi nướng lên thì thơm ngon, vẫn còn giữ nguyên được vị thơm của bò tươi. Bò một nắng cực dễ ăn và được nhiều người yêu thích. Để chế biến món này đúng điệu, trước hết phải chọn loại bò cỏ tơ được chăn thả tự nhiên và chỉ chọn phần thịt đùi và thịt thăn. Thịt được thái thành những lát vừa phải, ướp với nhiều gia vị như muối, sả, đường, hạt nêm, ớt khô… rồi phơi qua một nắng. Khi nướng trên lửa than thì lật cho chín đều và thưởng thức thôi! Món này sẽ được ăn kèm với muối kiến được làm từ những tổ kiến lấy trên rừng về, vị cay chua độc đáo.
Muối kiến vàng Krông Pa
  Loại muối đặc biệt này được làm từ kiến vàng ở rừng Ayun Pa hay Krông Pa có thể khiến bạn nghiện đấy nhé. Ban đầu có thể hơi sợ (giống món bún cua thối) nhưng nếu đã thử một lần thôi thì bạn sẽ hiểu vì sao du lịch Gia Lai nhất định phải mua muối kiến vàng về làm quà. Tổ kiến lấy trên rừng về, rửa thật sạch, giã nhuyễn với muối hạt, lá then len, ớt… Muối kiến vàng có mùi đặc trưng hơi chua chua, beo béo, nồng mùi, pha chút ngòn ngọt và cay cay. Muối này rất hợp với các loại quả chua, các món luộc và nướng.
Heo sọc dưa
  Heo sọc dưa có xuất xứ heo rừng được người dân phố núi thuần hóa và thả vườn trong gia đình. Tuy nuôi trong nhà, nhưng với đôi bàn tay khéo chăm của đồng bào dân tộc Bahnar, Jrai nên loại heo này vẫn có thịt săn, thơm ngọt, đậm đà như heo rừng vậy. Chất lượng khác hẳn với loại heo nhà. Sở dĩ được gọi là heo sọc dưa vì bộ lông của heo sọc như một quả dưa hấu vậy.
Lụi nướng
  Món lụi nướng là một món ăn truyền thống của những người dân vùng đại ngàn. Món xiên nướng này được nướng trên bếp than hồng đến khi vỏ bánh tráng giòn tan. Và nấm mèo, thịt xay cũng dậy mùi thật sớm. Ăn một miếng lụi nướng, kèm các loại rau thơm và chấm một miếng vào nước chấm đặc biệt. Ôi, còn gì tuyệt vời hơn nào.
Chả cá Thác Lác
  Để làm ra món chả cá trứ danh, đầu tiên người ta sẽ bắt cá thơm ngon của hồ Ayun Hạ. Sau đó khéo léo dùng một chiếc thìa nạo lấy phần thịt rồi ướp gia vị và giã thật nhuyễn. Và phần thịt đã được giã nhuyễn được trộn cùng lá thì là băm nhỏ, nặn thành từng viên trong rồi chiên trong chảo ngập dầu. Chả cá Thác Lác có vị ngọt thanh, giòn và cực thơm. Chính vì chả cá nơi đây quá ngon, nên món đặc sản này được càng nhiều người biết đến và mua về làm quà cho gia đình.