Chuva 12 Can Chua Thìa Sảng 3N2Đ | Cung Đường Thử Thách Cho Dân Leo Núi

  CHUVA 12 - CAN CHUA THÌA SẢNG (3 ngày 2 đêm) là cung đường thử thách cực đại cho dân leo núi. Điệp khúc “đu dây” lại là nỗi ám ảnh về những con dốc cao và một loạt vách đá dựng đứng.

Chuẩn bị tinh thần trước khi chinh phục Chuva 12 Can Chua Thìa Sảng
  Đoàn chúng tôi tham gia chinh phục cung đường leo Chuva 12 – Can Chua Thìa Sảng lần này gồm 10 thành viên (5 nam , 5 nữ hội tụ đầy đủ cả Bắc Trung Nam ). Chuva 12 là ngọn núi có độ cao 2.751m thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, nằm ở địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu.
  Chúng tôi lên kế hoạch trước cả tận vài ba tháng. Đa số các thành viên đều đã có kinh nghiệm leo rất nhiều đỉnh thuộc top 10 ở Việt Nam. Một số ít còn lại cũng đã từng tham gia leo các cung núi phía miền Nam với độ khó thấp hơn chút. Chuyến đi lần này do nhóm chúng tôi tự tập hợp, tự tổ chức đi chứ không phải đi theo Tour của bất kì đơn vị nào. Do vậy mà khâu chuẩn bị càng phải cụ thể và rõ ràng từng chi tiết nhỏ.
  Trước chuyến đi 1 tuần cả team phía miền Bắc và team phía miền Nam đều tổ chức có cuộc offline gặp gỡ nhau, trao đổi, phân công nhiệm vụ riêng của mỗi thành viên trong đoàn. Từ những việc như Book vé xe khách di chuyển, chuẩn bị đồ ăn uống trong những ngày trên núi, thuê lều trại, túi ngủ, đồ bảo hộ cá nhân… Và đặc biệt là liên hệ trước với đội nhóm Porter dân bản địa. Tất cả chuẩn bị thật tốt để chuyến đi lần này sẽ diễn ra một cách an toàn và gắn kết các thành viên với nhau nhất.
  Lịch trình xuất phát của cả đoàn là từ tối 17/11 tại Hà Nội. Các thành viên trong đoàn tập trung tại Bến xe khách Mỹ Đình, đúng 22h xe lăn bánh di chuyển tuyến Mỹ Đình (Hà Nội) đi Lai Châu. Lần này nhóm mình chọn nhà xe Ngân Hà… tuyến này chạy là xe giường nằm, chạy khung giờ muộn buổi nên xe chỉ dừng duy nhất 1 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Khoảng 4h sáng hôm sau ,nhóm mình xuống xe tại Điểm trường CHUVA (thuộc bản Chuva 12,xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu) – cách trung tâm Sapa cỡ 35km xuôi về hướng đèo Ô Quy Hồ trên Quốc lộ 4D. Cả nhóm hạ hành lý và đồ đạc, di chuyển đến nhà Porter ở gần đó. Mọi người nằm nghỉ thêm chút chờ đến khi trời sáng là vừa.
LỊCH TRÌNH DI CHUYỂN
Ngày đầu tiên
  Hơn 6h sáng cả nhóm đánh thức nhau dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Ăn sáng xong khoảng hơn 7h một nhóm được phân công chạy xe máy lên khu chợ trung tâm Huyện – cách đó cỡ hơn 10km mua một số đồ vật dụng các nhân, thức ăn, nước, rau quả phục vụ chung cho chuyến đi 3 ngày trên núi của cả đoàn.
  9h30 nhóm đi chợ mới quay về đến nơi, mọi người thay đồ leo núi,chuẩn bị đồ đạc. Xe 16 chỗ đến đưa cả đoàn di chuyển đến chân núi, cách điểm trường Chuva 12 cỡ 2,5km. Tầm 10h30 đoàn chúng tôi gồm 10 thành viên và 6 porter chụp chung 1 kiểu ảnh rồi bắt đầu hành trình chinh phục CHUVA 12.
  Khởi đầu hành trình ai cũng hồ hởi, sức khoẻ vẫn còn tốt, mọi người rảo chân bước qua những khu rừng thảo quả xanh mướt. Đoạn đầu này địa hình chủ yếu đi trong rừng có bóng cây mát, độ dốc cũng chưa quá lớn ,mọi người thong dong vừa đi vừa ngắm cảnh và vừa chụp hình. Bắt đầu độ dốc tăng dần, nhiều đoạn ẩm ướt và dễ trơn trượt hơn do đêm hôm trước và sáng sớm đã có 1 cơn mưa. Chúng tôi bắt đầu cảm nhận được sự mệt mỏi và nhiều khó khăn đang chờ đợi phía trước. Ngày đầu tiên này ,cung đường đi dọc theo những đoạn suối cạn, đa số mùa này không còn nước. Những tảng đá to bám đầy rêu ẩm ướt, nếu bạn bước đi không cẩn thận hoặc thiếu kinh nghiệm thì sẽ rất dễ gặp tai nạn.
  Gần 13h trưa, cả đoàn dừng chân lại nghỉ ngơi ăn trưa tại một đoạn gần suối. Đã quá giờ trưa muộn, mọi người cũng đã đói. Mọi người thưởng thức bữa trưa ven suối và nạp năng lượng cho hành trình tiếp theo. Bữa trưa lần này được các bạn porter chuẩn bị gồm xôi, giò và cả gà luộc nữa.
  Ăn uống và nghỉ ngơi khoảng gần 1 tiếng đồng hồ, 14h chiều chúng tôi lại tiếp tục di chuyển. Vẫn là những đoạn dốc đi trong rừng nhưng dốc bắt đầu dài hơn, xuất hiện một vài đoạn leo gắt hơn, nguy hiểm hơn. Mọi người bắt đầu tách nhóm, vì sức khỏe và kỹ năng của mỗi người khác nhau. Những bạn có ít kinh nghiệm leo và đặc biệt là các bạn nữa trong nhóm được ưu tiên mỗi người được 1 porter đi kèm trong suốt hành trình còn lại.
  Nhóm còn lại gồm mình và 3 anh em nam nữa là anh Phong, Vũ và Duy toàn những người có kinh nghiệm leo tương đối nhiều luôn di chuyển đi gần nhau. Bọn mình luôn để ý và theo sát tốc độ di chuyển của mấy bạn nhóm cuối. Khoảng hơn 17h chiều , mặt trời cũng bắt đầu chuẩn bị xuống núi, nhóm 4 anh em bọn mình tới đoạn ngã 3 – một đường rẽ phải về lán ngủ, một đường rẽ trái ra đầu sống lưng khủng long đi về hướng chóp Can Chua Thìa Sảng. Mấy ae dừng lại đây bỏ balo và ngồi ngắm hoàng hôn, cảnh mây trời nơi đây. Chỉ khoảng nửa tiếng sau, mặt trời lặn hoàn toàn qua khe núi, các nhóm khác trong đoàn đã di chuyển gần về đến lán nghỉ. Còn 4 anh em chúng tôi bắt đầu di chuyển về hướng lán bằng đèn pin. Dù chỉ còn một đoạn di chuyển không quá xa, nếu khi trời sáng với sức chúng tôi chắc chỉ mất khoảng 30 phút. Nhưng do trời đã tối nên việc di chuyển gặp khó khăn hơn , thậm chí có đoạn còn suýt bị nhầm đường.
  Hơn 18h chúng tôi về đến lán nghỉ, mọi người rửa chân tay, thay đồ áo ấm nghỉ ngơi và chuẩn bị vào bữa tối. Lán nghỉ ở đây được anh em Porter bản địa dựng ở một nơi khá kín gió,có mái tôn che chắn tương đối ổn. Mình ước lượng khu lán ngủ chắc chứa được khoảng hơn 20 người. Ở đây có đủ chăn ấm, tấm cách nhiệt đảm bảo cho mọi người. Gần khu vực lán không xa có một khe nước nhỏ, tạm thời có thể chỉ cung cấp đủ nước cho mọi người ăn uống (nước để tắm và rửa chân tay thì gần như không có nhé mọi người). Trên khu vực lán không có điện, sóng điện thoại cũng rất yếu. Bữa ăn tối mọi người chủ yếu sử dụng đèn pin cá nhân, riêng lần này đoàn mình đã lường trước và đã thuê thêm bóng đèn tích năng lượng mặt trời mang theo từ Hà Nội. Bữa ăn tối ngày đầu tiên ấm cúng, đoàn tôi mang theo cả bếp gas du lịch theo và làm món lẩu gà trên núi. 6 chai rượu mang theo chuyến lên núi lần này thì bữa tối hôm đầu đã uống hết 5.
  Gần 21h cũng bắt đầu muộn, một số thành viên ăn xong trước đã tìm cho mình 1 góc chăn ấm. Nhóm mấy anh em còn lại nhâm nhi nốt chén rượu cuối rồi cũng dọn dẹp đi ngủ lấy sức sáng mai còn dậy sớm đón bình minh trên đỉnh. Rượu uống cũng tương đối nên đêm hôm ấy tôi ngủ khá ngon và sâu giấc.
Ngày thứ 2
  Tầm 4h30 sáng hôm tiếp sau, có anh Phong – thành viên lớn tuổi nhất trong đoàn tỉnh dậy và hô hào gọi vài thành viên có ý định đón bình minh trên đỉnh sớm. Ban đầu mình xem dự báo thời tiết trên apps cũng không thấy khả quan vì chưa chắc có mặt trời sáng hôm ấy. Mình do dự và nửa muốn đi nửa muốn ngủ tiếp. Một lát sau có anh Phong và Vũ dậy đi chuyển lên đỉnh trước, nhóm tiếp theo gồm 2 bạn gái Tâm và Thảo cùng 1 porter tiếp tục đi theo. Sốt ruột quá, mình liền bật dậy, chuẩn bị áo ấm, 1 chai nước nhỏ, 1 máy ảnh, 1 ít đồ ăn nhẹ và vài thứ đồ phụ kiện sống ảo nữa cho vào 1 túi đeo nhỏ sau lưng phi đuổi theo mọi người.
  Chỉ chưa đầy 1 tiếng sau, tầm 6h kém mình cũng đã có mặt trên đỉnh Chuva 12 cùng mấy anh em. Lúc này mặt trời cũng chuẩn bị le lói ánh sáng phía đường chân trời. Phía dưới xung quanh đỉnh cả mấy phía cũng lác đác có vài đám thác mây. Tuy nhiên đúng như mình đã xem dự báo, bình minh sáng nay cũng không khả quan lắm, phía xa chân trời mây hơi dày che mất ánh sáng từ mặt trời. Tầm ngắm trên đỉnh có lúc quang, lúc mù thay đổi liên tục ,thỉnh thoảng có lất phất vài hạt mưa nữa. Cũng thật may hôm ấy lên đỉnh gió rất nhẹ, nhóm chúng tôi cẩn thận còn mang theo cả 2 túi ngủ dự phòng khi cần nữa. Mấy anh em trên đỉnh lúc này tha hồ sáng tạo mà chụp hình cho nhau, chả phải chờ đợi và chen chân để có được kiểu ảnh check-in như các núi khác giờ đã bị làm thương mại.
  Gần 8h sáng những thành viên còn lại trong đoàn mới có mặt trên đỉnh. Chúng tôi tiếp tục chụp hình cho nhau, chứng kiến cảnh mây trời thay đổi liên tục. Vì góc ngắm trên đỉnh siêu rộng, view được cả về 4 phía. Đứng trên đỉnh Chuva 12 bạn có thể ngắm được nóc nhà Đông Dương Fansipan ở rất gần, rồi dãy Ngũ Chỉ Sơn, đỉnh Lảo thẩn, đỉnh Bạch Mộc, đỉnh nhìu Cồ San, cả đỉnh Putaleng và Tả Liên phía xa nữa.
  Tầm hơn 9h cả đoàn chụp 1 kiểu check-in tập thể cùng với chóp Chuva 12. Mọi người dần thu dọn đồ đạc và xuống núi về lán nghỉ ăn trưa. Riêng mình và cậu em nữa còn cố nán lại thêm 15-20 phút chụp những kiểu ảnh sống ảo độc đáo rồi mới đuổi theo mọi người đi xuống. Lúc sáng sớm mình leo từ lán lên đỉnh mất khoảng gần 1 tiếng vì phải leo đèn lúc trời còn tối. Lúc xuống từ đỉnh tới lán chắc chỉ mất khoảng 35 - 40 phút thôi.
  Về đến lán nghỉ gần 11h trưa, cả đoàn nghỉ ngơi, ăn trưa với món mì nấu rau cải. Quá 12h trưa cả đoàn tiếp tục hành trình vượt qua đoạn sống lưng khủng long tiến về hướng chóp Can Chua Thìa Sảng. Lúc này phía bên dưới vách núi trời mù và nhiều mây, mọi người thận trọng bước trên đoạn sống lưng nguy hiểm. Vẫn giống như ngày hôm trước 6 porter phân chia mỗi người kèm và theo sát 1 bạn nữ trong đoàn. Còn lại 4 anh em nam có kinh nghiệm như mình đi gần nhau thành 1 nhóm tự chủ động hỗ trợ nhau qua những đoạn khó. Đoạn sống lưng này có lẽ là đoạn đẹp nhất, được ngắm cảnh mây trời thiên nhiên hùng vĩ nhất của cung đường.
  Hành trình ngày thứ 2 này nước uống bắt đầu không được đủ và thoải mái như ngày đầu. Cả đoàn đã phải dùng nước porter lấy từ khe nước đun sôi lên đổ vào chai nhựa mang đi uống dần. Mỗi lần vượt được qua 1 con dốc cao lên được bãi đất trống trên đỉnh cao, chúng tôi lại ngồi nghỉ, uống vài hớp nước, ăn vài chiếc kẹo để có thêm năng lượng. Ngồi đây ngắm mây bay, cảnh núi non hùng vĩ, chúng tôi hít thở và cảm nhận không khí núi rừng. Khoảng gần 16h, nhóm chúng tôi di chuyển đến chân đoạn vách núi đá cao và nguy hiểm nhất hôm ấy. Bản thân mình cũng leo hơn chục đỉnh mà lần đầu nhìn con dốc cao này cảm giác cũng thật sự hơi choáng ngợp. Nhìn mấy anh em vượt qua trước , mình thận trọng và bắt đầu cảm thấy bớt lo lắng hơn. Con dốc dài có độ cao khá gắt, chủ yếu là đá, vách bám tay nhỏ và hẹp. Mình như nín thở cắm mặt, tay dò tìm từng chỗ bám để di chuyển lên thật nhanh. Cuối cùng sau ít phút mình cũng đã vượt qua được đoạn dốc đá cao cheo leo, nỗi sợ hãi giờ đã biến mất. Lên được đoạn đất trống trên đỉnh dốc cả nhóm ngồi nhìn xuống phía dưới. Cảm giác sung sướng và tự hào khi mình vừa tự vượt qua được giới hạn của bản thân, làm được những điều mà trước chưa bao giờ từng làm.
  Đoạn này cũng là đoạn gần chóp Can Chua Thìa Sảng – (có độ cao 2.403m), chiều nay cả đoàn cũng sẽ dừng chân dựng lều và nghỉ qua đêm nơi đây. Vì leo được lên chỗ này sớm, nên nhóm mình còn nhiều thời gian chụp hình, ngắm hoàng hôn cho đến khi trời tối. Đoàn mình gồm 16 người bao gồm cả 6 porter, mang theo tất cả 4 lều. Mấy anh em nam giới trong đoàn tập trung dựng lều ổn định cho mọi người có chỗ ngủ qua đêm yên tâm. Do lều được dựng gần như trên đỉnh núi không có cây to, thoáng gió nên về đêm sẽ rất lạnh. Mọi người lưu ý phải mang theo túi ngủ nhé. Hoàng hôn hôm ấy thật đẹp và rực rỡ. Phía bên dưới mây bay từng đám bốc dần lên .Mặt trời dần lặn xuống phía chân trời , luồng ánh sáng đỏ ửng rọi lên từng đám mây. Cảm giác thật yên bình và dường như muốn thời gian dừng lại nơi đây.
  Trời nhá nhem tối, mọi người chuẩn bị đèn, ngồi vây quanh bên đống lửa hồng ấm áp. Cơm canh đã chín đang chờ những cái bụng đói meo. Ăn cơm tối xong , một nhóm vài thành viên ngồi vây quanh bếp lửa chuyện trò, nghe nhạc. Vài nhóm khác trở về lều nghỉ ngơi trong chăn ấm áp. Nhóm lều phía cuối ,mấy ae còn thức ngồi ngoài cửa lều ngắm những chòm sao. Điều này ở thành phố chắc chẳng bao giờ có thể thấy được.
  Bắt đầu muộn muộn, trời bắt đầu lạnh hơn, nhóm 4 anh em mình chung 1 lều cũng vào lều đi ngủ. Chiếc lều được dựng ở vị trí kín gió, tuy nhiên không được bằng phẳng. 4 anh em thu lu nằm cạnh nhau, nửa đêm toàn bị trôi xuống phía thấp hơn.
Ngày thứ 3
  Sáng ngày hôm cuối cùng , khoảng 6h kém mấy ae nhóm mình tỉnh giấc, mặc đồ ấm ra khỏi lều đón bình minh. Sáng hôm ấy có mặt trời, có thác mây, một chút mưa nhẹ và đặc biệt là còn thấy cả cầu vồng nữa. Sáng thức giấc mở cửa lều ra ngắm mây núi, thưởng thức 1 cốc cafe, thật là tuyệt phải không mọi người. Mọi người tha hồ chụp ảnh đến tầm 7h30, cả đoàn ăn bữa sáng, thu dọn đồ đoàn, lều trại và chuẩn bị xuống núi.
  Đúng 8h hơn chút mọi người bắt đầu xuống núi. Đoạn này địa hình chủ yếu đi trong khu rừng trúc lùn, có độ dốc cao. Vượt qua đỉnh thấp hơn Khang Su Tho San, chúng tôi đi sâu vào rừng, xuống những đoạn dốc dài phải đu dây. Ở đoạn đường này, cả nhóm liên tiếp phải đu dây , leo xuống thang . Lưu ý , mọi người đi đoạn này phải có găng tay bảo hộ , mặc áo dài tay, quần dài vì khi leo xuống sẽ dùng hai tay bám đu dây hoặc bám vào cây trong rừng. Cũng cần chuẩn bị một đôi giày có độ bám thật tốt nữa nhé vì địa hình trơn trượt. Riêng bản thân trải nghiệm của mình thì cứ giày bộ đội mà chơi, vừa an toàn hiệu quả mà vừa kinh tế nữa. Đu dây liên tục, liên tục …mình không nhớ được bao nhiêu cái dây ở đoạn này nữa. Vượt xuống đoạn đồi cỏ lau địa hình thoai thoải và thoáng hơn chút, nhóm mình ngồi nghỉ, uống nước rồi tiếp tục hành trình.
  Qua được đoạn này rồi thì gần như hết sự nguy hiểm, mấy anh em tiếp tục băng xuống đồi cỏ lau. Địa hình dốc cũng gắt, về gần trưa, hôm ấy nắng gắt nên ai cũng bắt đầu thấm mệt. Mình vừa xuống dốc vừa nghỉ liên tục. Đến gần 12h trưa , mình cũng xuống được ngọn đồi thấp phía dưới bản chân núi . Mũi chân ngón cái hơn đau nên mình cố lê những bước chân nặng nề xuống phía dưới trại nuôi cá hồi ở cửa rừng. Gần 13h mình cũng đã xuống được khu ruộng bậc thang trước chân núi và nhờ porter đưa về điểm xuất phát.
  Gần 15h các thành viên cuối cùng của đoàn cũng đã xuống núi an toàn. Mọi người nghỉ ngơi, tắm và thay đồ rồi dạo chơi loanh quanh bản. 18h chiều hôm ấy tất cả tập trung tại nhà Porter ăn uống liên hoan chúc mừng chuyến đi thành công và hẹn dịp gặp lại.
Một số lưu ý
  • Cung Chuva 12 - Can Chua Thìa Sảng này là cung leo 3 ngày 2 đêm, đi lên đỉnh Chuva 12 một đường và xuống lối về một đường ghé qua chóp Can Chua Thìa Sảng. Cung đường này hoàn toàn khác so với cung Chuva 12 – 2 ngày 1 đêm do các đơn vị tổ chức tour.
  • Đánh giá độ khó và địa hình cung này như sau: Về địa hình , phần lớn ngày 1 và ngày 3 là di chuyển trong khu rừng thảo quả, rừng trúc cao, rừng trúc lùn, đoạn gần đỉnh có nhiều rừng cây đỗ quyên cổ thụ. Độ dốc địa hình khá cao và gắt. Ngày 2 di chuyển trên đoạn sống lưng có view ngắm 2 bên là vực sâu, bạn nào sợ độ cao thì cũng hơi mệt. Mình đánh giá độ khó cung này cỡ 8,5/10.
  • Một số vật dụng bảo hộ cần phải có cho cung này: Một đôi giày có độ bám thật tốt, găng tay bảo hộ đầy đủ vì nhiều đoạn phải đu dây, bám vách đá, một chiếc mũ đội đầu, quần áo dài tay để bảo vệ khi di chuyển trong rừng trúc. Cung này đêm thứ 2 ngủ trên chóp Can Chua Thìa Sảng chưa có lán, nên phải mang lều , túi ngủ để đảm bảo sức khỏe khi về đêm thời tiết rất lạnh.
  • Cung này di chuyển gặp nhiều đoạn dốc đá cao, nhiều đoạn có view nhìn xuống vực sâu nên tốt nhất khi leo các đoạn đó bạn cứ cắm mặt xuống đất, tay dò tìm các gốc cây trên đường mà bám để di chuyển.
  • Trên gần chóp Can Chua Thìa Sảng nguồn nước cũng khan hiếm, porter phải mất công chạy đi hơi xa mới có chút nước chỉ đủ dùng nấu nướng.
  Bài viết của mình chỉ mang tính chất tham khảo, chia sẻ phần nào những gì cảm nhận thực tế nhất về chuyến đi của mình đến mọi người. Mình khuyên các bạn nào có ý định leo cung này hãy tìm hiểu trước và chuẩn bị thật kỹ về thể lực, về kỹ năng sinh tồn cơ bản khi đi rừng núi. Cung đường này có lẽ không dành cho các bạn bánh bèo và chưa từng leo núi bao giờ. Chúc tất cả mọi người có sức khoẻ dồi dào để chúng ta tiếp tục đồng hành cùng nhau trong các cung leo núi tiếp theo!
Cảm ơn bài review siêu chi tiết của anh Doãn Bách