“ĐÔI MẮT PLEIKU BIỂN HỒ ĐẦY” - KHÁM PHÁ 7 BÍ ẨN VỀ BIỂN HỒ (GIA LAI)

  Nhiều khách du khách lựa chọn phố núi Pleiku cho chuyến đi du lịch của mình để hòa mình với thiên nhiên trong lành. Tới đây, ai ai cũng được thư giãn với khung cảnh núi rừng mộng mơ và thời tiết cực dễ chịu. Và một nơi chắc-chắn-phải-ghé-qua đó là Biển Hồ (Gia Lai). Sự hoang sơ, bình dị và trong veo của Biển Hồ chắc chắn sẽ khiến bạn “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”!

Đôi chút về Biển Hồ
  Biển Hồ còn có tên gọi khác là hồ T’Nưng thuộc địa phận của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Hồ cách trung tâm thành phố khoảng 7km theo QL14. Nơi này nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng, cao khoảng 500m so với mực nước biển. Trước đây nơi này vốn là miệng núi lửa khổng lồ hoạt động hàng trăm năm. Hiện nay thì Biển Hồ được ví như viên ngọc bích giữa núi rừng Tây Nguyên vì làn nước xanh trong, bát ngát.
  Biển Hồ gắn liền với nhiều truyền thuyết mà người dân địa phương lưu truyền. Những câu chuyện này khiến Biển Hồ vừa đẹp, vừa linh thiêng và không kém phần bí ẩn.
Ý nghĩa tên hồ T’Nưng
  Tên T’Nưng có nghĩa là “hồ không đáy” theo tiếng người địa phương. Các nhà nghiên cứu xác định được Biển Hồ gồm 3 phễu trũng vốn là 3 miệng núi lửa. Hiện này thì đáy hồ đã bồi đắp theo thời gian và trở nên khá bằng phẳng.
  Mọi người hay gọi là Biển Hồ vì nơi đây rộng lên tới 228 ha bao quanh rừng và núi. Vào mùa thì mặt nước có thể rộng tới 400 ha. Bờ hồ là một miệng núi lửa nhô cao nên đứng từ xa vẫn có thể thấy rất rõ.
Truyền thuyết Biển Hồ của đồng bào Jrai
  Ngày xưa nơi đây là một buôn làng sầm uất và hạnh phúc, có dòng suối chảy vòng quanh. Ngày ngày người ta gõ chiêng, khua trống và đánh đàn hòa vang rộn rã khắp khu rừng. Câu chuyện bắt đầu khi một năm nọ, trâu bò của cả làng đều chết sạch. Dân làng cho là Giàng ghét bỏ buôn làng nên cùng với tộc trưởng vào rừng săn nai về lãm lễ cúng. Sau lễ cúng Giàng, mọi người vui vẻ vì tin rằng Giàng sẽ phò trợ cả buôn làng.
  Nào ngờ mặt đất bỗng rung chuyển và mạnh đến mức sụp cả làng xuống vực sâu. Nước từ đâu kéo tới và không một ai sống sót nữa. Có thể họ đã làm sai một điều gì đó nên nhận sự trừng phạt của Giàng.
  Riêng chỉ có vợ chồng Mạc Mây bận đi thăm bà con xa nên đã tránh được tai ương. Về đến làng, Mạc Mây nhìn thấy làng biến mất mà chỉ còn một biển nước mênh mông. Cũng từ đó, vợ chồng Mạc Mây và người Jrai sau này luôn coi hồ T’Nưng là một chốn linh thiêng để tưởng nhớ những người đã mất của buôn làng.
Một phiên bản khác trong sự tích của người Jrai
  Theo người Jrai xa xưa còn một phiên bản khác về sự tích Ia Nưng (T’Nưng). Khi xưa nơi đây là bến nước uống chung của buôn làng người Jrai. Nước ở bến này rất xanh trong, có thể soi tỏ dưới mặt người.
  Một ngày kia, trên đường tới Ia Nưng để lấy nước thì hai người trong làng là Yă Bôm và Yă Chao phát hiện có một con heo màu trắng rất đẹp. Yă Chao thấy thế liền bắt con heo đó về nhà mình nuôi. Hàng ngày, Yă Chao chăm sóc heo rất tỉ mỉ, cho ăn rất nhiều thức ăn ngon nhưng chú heo này chẳng ăn gì dù chỉ một miếng.
  Một lần Yă Chao lại đi lấy nước ở Ia Nưng về, còn dính những hạt cát trắng. Vì bỗng nhiên chú heo trắng đã liếm hết những hạt cát một cách ngon lành. Thấy thế Yă Chao cứ đi lấy cát trắng về cho heo ăn và cứ thể heo lớn nhanh như thổi. Sau 3 lần trăng tròn, chú heo bé xinh hôm nào đã lớn bằng một con trâu to, khiến cả làng ngạc nhiên vô cùng.
  Hồi ấy, dân làng vừa làm nhà rông mới và mong tìm một con heo thật to để cúng Giàng và làm lễ ăn mừng. Tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy, nên già làng khuyên Yă Chao bắt heo trắng làm thịt. Yă Chao kiên quyết từ chối dù được hứa cho rất nhiều của cải. Và bà còn thề rằng: “Nếu tôi ăn thịt này thì đất sẽ động, Ia Nưng sẽ sụp lở.”
  Sau đó, các cháu của Yă Chao thấy thịt ngon nên đòi ăn và khóc cả ngày đêm. Nên bà không cầm được lòng mà phải cho đứa cháu toại nguyện.
  Bỗng chốc, trời đất, núi rừng rung chuyển và vùi lấp cả dân làng. Hai bà cháu Yă Chao chạy nhưng không kịp và bị nước nhấn chìm thành tượng đá dưới đáy hồ.
Câu chuyện đau thương về một buôn làng
  Người ta còn kể rằng, T’Nưng là tên một làng cổ có trong quá khứ. Chuyện kể về ngôi làng to và đẹp lắm. Dân làng sống vui vẻ, hòa thuận với nhau. Bỗng một hôm ngọn núi lửa phun trào và vui lấp cả làng. Những người may mắn sống sót xót thương cho làng mình. Nước mắt của họ chảy thành suối, các suối đổ về hồ. Hồ mang tên T’Nưng là một nơi để gợi nhớ về làng cổ ấy.
Biển Hồ thu hút các nhà khảo cứu
  Đã có rất nhiều nhà khảo cổ học ngoại quốc đã tìm đến nghiên cứu về Biển Hồ. Có nhiều đề tài khoa học đã chứng minh rằng nơi này có nhiều vết tích của nền văn hoá Biển Hồ. Các trầm tích văn hoá được phát hiện, người ta tìm thấy có nhiều dấu chân người tiền sử để lại. Bất ngờ nhất, có một khu nghĩa địa lớn dưới lòng hồ đã được nhiều người bàn tán suốt một thời gian dài.
Nguồn nước sạch của người dân Pleiku
  Biển Hồ gắn liền với cuộc sống của người dân Pleiku. Theo các kết quả phân tích, chất lượng nước tại đây có chất lượng tốt nhất trong tất cả các thuỷ vực khu Tây Nguyên cũng như toàn quốc.
  Ngày này, nơi đây không chỉ cung cấp nước mà còn là điểm thu hút du lịch.
  Du khách tới đây có cơ hội nhìn được bao quát một vùng như những đồi đất đỏ, những đồi chè ngút ngàn hay cả đại ngàn trong màn sương. Biển Hồ được ví như một hạt ngọc của Pleiku và một điểm du lịch quan trọng.