Trọn Bộ Kinh Nghiệm Du Lịch Bạc Liêu Mới Nhất

  Bạc Liêu không phải là một vùng đất trọng điểm du lịch. Nhưng chính cái nét mộc mạc ấy, khiến du lịch Bạc Liêu đang hot hơn bao giờ hết. Cùng với những công trình mang đậm văn hóa Khmer, những địa điểm du lịch khiến bạn thêm yêu về vùng đất sanh ra khúc “Dạ cổ hoài lang” và những món ăn thơm ngon đậm chất miền Tây. Hãy cùng FC đi tìm hiểu về kinh nghiệm du lịch Bạc Liêu cho mùa hè này.

Đôi nét về Bạc Liêu
  Thành phố Bạc Liêu cách trung tâm Sài Gòn 280km, thích hợp cho một chuyến đi ngắn ngày. Đến với Bạc Liêu, du khách sẽ được đắm mình vào không gian trong lành của những vườn chim tự nhiên, vườn chim, vườn nhãn cổ, rừng ngập mặn dài, cánh đồng điện gió. Hay còn được nghe kể nghe về giai thoại ly kỳ về cuộc đời cậu Ba Huy - Công tử Bạc Liêu…
Du lịch Bạc Liêu vào mùa nào trong năm
  Bạc Liêu có đặc trưng thời tiết của miền Nam, ấm áp quanh năm và không có mùa lạnh. Vậy nên du khách có thể đến Bạc Liêu vào bất cứ lúc nào. Nếu muốn khám phá và tìm hiểu về những phong tục, tín ngưỡng của địa phương thì Tháng 2 - Tháng 4 AL là khoảng thời gian phù hợp. Hoặc vào Rằm Tháng 10 sẽ diễn ra lễ hội Ok Om Bok - một trong ba lễ hội lớn nhất của người Khmer.
Di chuyển từ Hà Nội - Bạc Liêu
  Quãng đường đi chính xác của chặng Hà Nội - Bạc Liêu là 1867 km. Bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng các phương tiện như: ô tô, máy bay, tàu hỏa. Tuy nhiên điểm đến của bạn sẽ là Sài Gòn trước, sau đó mới di chuyển đến Bạc Liêu.
  Mỗi phương tiện sẽ có ưu nhược điểm khác nhau.
  • Tiết kiệm ngân sách: ô tô, tàu hỏa
  • Tiết kiệm thời gian và sức khỏe: máy bay
Lưu trú khi du lịch Bạc Liêu
  Du lịch Bạc Liêu có 03 sự lựa chọn lưu trú cho du khách: nhà nghỉ, khách sạn, homestay. Những hình thức này khá đa dạng để lựa chọn tùy theo tiêu chí: view đẹp, tiết kiệm, gần các địa điểm tham quan. Đặc điểm chung là các hình thức lưu trú này giá cả phải chăng.
  Nếu bạn thích một căn phòng lịch sự và đơn giản thì phù hợp nhất là nhà nghỉ và khách sạn. Còn nếu tìm một nơi có view đẹp và có thể chill, thì homestay hợp lý hơn nhiều.
Các điểm du lịch Bạc Liêu nhất định phải tới một lần trong đời
  Cánh đồng điện gió Bạc Liêu
  Khu điện gió Bạc Liêu là dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng từ năm 2010. Tới đây, bạn sẽ có cơ hội khám phá cảnh quan xung quanh với rừng ngập mặn và lồng nuôi cá kèo của người dân nơi đây.
  Những tuabin gió khổng lồ dựng lên giữa một bầu trời xanh thăm thẳm. Với vẻ hoành tráng và lãng mạn không kém gì cánh đồng quạt gió trời Tây, nơi đây trở thành tọa độ sống ảo siêu hot cho giới trẻ.
  • Địa chỉ: Vùng ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu
Chùa Xiêm Cán tráng lệ bậc nhất
  Đối với những ai lần đầu du lịch Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán sẽ gây choáng ngợp vì kiến trúc kỳ vĩ, lộng lẫy và nổi bật. Được xây vào năm 1887, chùa có tên tiếng Khmer Komphisako - thể hiện sự sâu xa và uyên bác của trí tuệ Phật pháp. Về sau đổi thành Xiêm Cán - với ý nghĩa “ngôi chùa nằm cạnh bờ biển”!
  Chùa là trung tâm tôn giáo lớn và đẹp bậc nhất của người Khmer ở Bạc Liêu và vùng Nam Bộ. Khuôn viên rộng với: chánh điện, sala, mộ tháp…cùng với khoảng sân, mảnh vườn khiến nơi đây trở thành một không gian yên ả, thanh bình. Đặc biệt, nơi đây đang lưu giữ 115 pho tượng, 1 bia đá, 1 quả chuông 135 tuổi.
  • Địa chỉ: Ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu
  Nhà cậu Ba Huy - Công tử Bạc Liêu nức tiếng
  Nhà công tử Bạc Liêu - Ba Huy được xây dựng khoảng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế. Đặc biệt là tất cả các vật liệu, bày trí trong nhà đều được đưa từ Pháp qua. Ngôi nhà này được xem là bề thế và khang trang nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.
  Sau vài lần trùng tu, ngôi nhà vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên sơ của nó. Và hiện nay nơi đây như một bảo tàng mà du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng những hình ảnh, hiện vật mà vị công tử hào hoa này từng sử dụng.
  Tới đây, bạn sẽ chứng thực cuộc sống vàng son một thời của vị công tử giàu nức tiếng này mà trước đây chỉ biết qua báo đài.
  • Địa chỉ: Số 13 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP. Bạc Liêu
  Chùa Ghositaram đẹp như mơ
  Chùa Ghositaram còn được người dân thân thương gọi “chùa Cù Lao” với lối kiến trúc Khmer đặc trưng.
  Để có một công trình hoành tráng thế này, các nghệ nhân đã mất đến 4 năm để hoàn thành được hoa văn, hoạ tiết trang trí ngôi chùa.
  Ngôi chùa đẹp rực rỡ với những gam màu đỏ vàng bắt mắt, tráng lệ như một tòa lâu đài, giữa miền quê đồng bằng xanh mướt một màu.
  • Địa chỉ: Chùa Ghositaram, ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi
  Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu
  Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã chọn dừng chân tại Bạc Liêu vậy nên tại đây đã xây lên một nhà hát mang tên ông. Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ bao gồm nhiều công trình: tượng bán thân, khu mộ cùng người thân, khu trưng bày hình ảnh, hiện vật, biểu tượng đàn kìm…
  Biểu tượng đàn kìm chính là biểu tượng của Đờn ca tài tử Nam Bộ - gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Các bậc thang lên theo số bậc: 2 - 4 - 8 - 16 - 32 và 64, tượng trưng cho nhịp phách ca cổ cải lương. Đằng sau đàn kìm là tượng đài cố nhạc sĩ và nhạc phẩm “Dạ cổ hoài lang” khắc tinh xảo.
  • Địa chỉ: Đường Ninh Bình, Phường 2, thành phố Bạc Liêu
Phước Hải Cổ Miếu
  Phước Hải Cổ Miếu linh thiêng còn có một tên khác “Miếu Cá Ông”. Đây là ngôi miếu đầu tiên được xây dựng tại Bạc Liêu. Vào năm 1903, người dân tìm thấy một xác cá voi lớn bên bờ biển. Theo tục lệ, người dân đã làm lễ tang, kéo cá lên, xẻ thịt đem chôn, bộ xương để thờ.
  Ban đầu, Miếu Cá Ông chỉ dựng lên bằng tranh lá đơn sơ. Sau đó vào năm 1904, người dân quyên góp xây dựng thành một ngôi miếu khang trang hơn. Trải qua 100 năm của dòng chảy lịch sử, Phước Hải Cổ Miếu dù nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản.
  • Địa chỉ: Đường Cao Văn Lầu, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu
  Quan âm Phật đài linh thiêng
  Tượng Phật bà Nam Hải được xây dựng từ năm 1973, gần cửa biển Nhà Mát - một công trình kiến trúc, văn hóa, tâm linh nổi tiếng ở Bạc Liêu. Tượng Phật bà cao đến 11 mét và tọa lạc uy nghi giữa một khoảng không gian hướng về Biển Đông.
  Du khách tới đây sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh, an nhiên vô cùng. Cùng với sự bình yên lan tỏa từ gương mặt phúc hậu của Phật Bà. Theo tín ngưỡng, Phật Bà đã chở che cho những người ngư dân mỗi lần họ ra khơi một cách an toàn và bội thu.
  Vào cuối Tháng Ba âm lịch hàng năm, nơi đây sẽ có lễ hội Quan âm Nam Hải - một trong những lễ hội Phật giáo lớn và thu hút khách thập phương.
Các món ăn đặc sản nhất định phải thử
  • Lẩu mắm
  • Đuông chà là
  • Bánh tằm Ngan Dừa
  • Cải xá bấu