Review Nam Ninh - Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn - Hồng Giang Cổ Trấn

  Lịch trình khám phá Nam Ninh - Trương Gia Giới – Phượng Hoàng cổ trấn – Hồng Giang cổ thương thành trong 10 ngày. Có nhiều ý kiến trái chiều về việc Phượng Hoàng Cổ Trấn có đáng để đi hay không? Theo mình, đây vẫn là một nơi bạn nên đi. Ngoại trừ việc quá đông đúc ra thì phong cảnh của cả Phượng Hoàng cổ trấn và Trương Gia Giới đều rất đẹp, đi lại cũng tương đối thuận tiện, giá cả rẻ.

Chuyến đi khám phá Trung Hoa 10 ngày
  Có nhiều ý kiến trái chiều về việc Phượng Hoàng Cổ Trấn có đáng để đi hay không? Theo mình, đây vẫn là một nơi bạn nên đi. Ngoại trừ việc quá đông đúc ra thì phong cảnh của cả Phượng Hoàng cổ trấn và Trương Gia Giới đều rất đẹp, đi lại cũng tương đối thuận tiện, giá cả rẻ.
  Mình từng thực hiện hành trình khám phá Trương Gia Giới – Nam Ninh – Phượng Hoàng cổ trấn – Hồng Giang cổ thành trong 10 ngày với chi phí khoảng 10 triệu đồng. Mặc dù đã có nhiều đoàn đi cung này nhưng hầu hết đều dừng lại ở Phương Hoàng cổ trấn và bỏ qua Hồng Giang, mặc dù đây là một nơi rất tuyệt vời (theo mình). Bởi vậy nên mình sẽ viết review để chia sẻ lại kinh nghiệm đi cung đường như trên dành cho các bạn quan tâm, đặc biệt là các bạn có hứng thú với Hồng Giang cổ thương thành.
LỊCH TRÌNH
  • Ngày 1: 21h20 lên tàu ở ga Gia Lâm.
  • Ngày 2: Đến Nam Ninh vào 10h trưa, thuê phòng nghỉ ngơi và thăm thú Nam Ninh. Lên tàu đi Trương Gia Giới lúc 17h10.
  • Ngày 3: Đến Trương Gia Giới lúc 8h sáng, tìm đường ra khách sạn sau đó buổi chiều đi Thiên Môn Sơn.
  • Ngày 4: Trời mưa nên đoàn mình không đi Vũ Lăng Nguyên… mà chỉ chọn tham quan cây cầu kính dài nhất và cao nhất thế giới ở đây (Theo mình biết thì hiện nay cây cầu kính này đã tạm đóng cửa). Sau đó về khách sạn và đi dạo loanh quanh.
  • Ngày 5: Bắt xe bus ra bến xe, mua vé đi Phượng Hoàng cổ trấn lúc 8h30. 15h chiều đến Phượng Hoàng cổ trấn. thuê xe đi về khách sạn giá 30 tệ/xe.
  • Ngày 6 -7: Tham quan Phượng Hoàng cổ trấn.
  • Ngày 7: Lên xe đã thuê từ trước đi Hồng Giang cổ thương thành. Trên đường đi rẽ vào Hoài Hóa mua trước vé tàu Hoài Hóa- Nam Ninh ngày hôm sau. Sau đó đi thẳng về Hồng Giang cổ thương thành. Quãng đường khoảng 200km mất 4 tiếng đi đường.
  • Ngày 8: Dạo chơi ở Hồng Giang, đến chiều thuê xe về lại Hoài Hóa để 21h tối lên tàu về Nam Ninh.
  • Ngày 9: Đến Nam Ninh lúc 9h sáng, lại thuê phòng để đồ và đi mua sắm tại Nam Ninh để 17h chiều ra ga về Gia Lâm.
  • Ngày 10: Có mặt tại ga Gia Lâm lúc 6h sáng, kết thúc chuyến đi.
ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN
  Thiên Môn Sơn: Đoàn mình đến Thiên Môn Sơn đúng hôm trời mù sương nên chẳng nhìn thấy được núi non chi hết nên hơi thất vọng. Giá vé là 261 tệ và bạn có 3 lựa chọn để lên núi : West line, Middle line, East line. Đoàn mình chọn West line đi chỉ tốn 2 - 3h tản bộ, đường khá ngắn và phù hợp đi trong một buổi chiều. Bạn sẽ lên bằng cáp treo, xuống bằng xe bus, có đi qua cầu kính giá 5 tệ/lần, đi thang máy ngầm trong núi xuống Cổng Trời.
  Lưu ý là lượng khách xếp hàng lên thang máy rất rất đông, bạn nên căn thời gian đến trước mua vé xếp hàng khoảng 1 - 2 tiếng cho chắc. Trên núi có bán đồ ăn vặt kiểu xúc xích, nước ngọt vv.vv nên cũng không lo đói đâu. Cảnh sắc trên núi rất đẹp dù bị sương mù khá dày. Cầu kính thì nói thật là không sợ lắm vì hơi nước nhiều nên không nhìn được xuống dưới. Nếu các bạn đi vào ngày trời nắng chắc sẽ đẹp hơn nhiều. Quả cuối đi bằng xe buýt từ trên núi xuống qua 99 khúc cua phải nói là phê các bạn ạ. Lái xe ở đây chắc chắn đủ tiêu chuẩn đi đóng Fast and Furious. Các khúc cua gần sát nhau đòi hỏi phải lái đều tay hết mức. Bạn nào say xe đi xuống chân núi đảm bảo li-vơ-phun.
  Cầu kính Trương Gia Giới: Đây là cây cầu đáy kính cao và dài nhất thế giới ở công viên quốc gia Trương Gia Giới, Hồ Nam, Trung Quốc mở cửa đón khách vào tháng 8/2016, do kiến trúc sư người Israel Haim Dotan thiết kế. Cây cầu dài khoảng 430m, nằm trên độ cao 300m, vắt qua hai ngọn núi của Trương Gia Giới, bên dưới là vực thẳm. Do hôm đấy trời mưa nên đoàn mình không đi được các điểm khác mà chọn tập trung vào đây. Giá vé vào riêng cầu kính là khoảng 200 tệ. Vào trong thì thấy cầu kính rất hoành tráng, nhưng vì quá to và chắc chắn nên cũng không cảm thấy sợ lắm. Trên bề mặt cầu là các tấm kính vuông trong suốt, để khách tham quan đi qua. Đợt vừa rồi mình đọc ở Trung Quốc đóng cửa hết các cầu kính vì lý do an toàn, không biết giờ có mở lại chưa?
  Phượng Hoàng cổ trấn: Đây gần như là tâm điểm của cả hành trình, và là một trong những nơi khiến mình yêu thích hơn cả Trương Gia Giới. Cảm nhận đầu tiên khi đến là chỉ biết thốt lên: “Quá đẹp!”. Trong cái se se lạnh của chiều mưa, những mái nhà cổ kính dần hiện ra trước mắt, chiếc cầu Hồng Kiều cong cong bắc ngang con sông Đà Giang uyển chuyển, những chiếc cầu gỗ, những dãy nhà san sát nhau dọc bờ sông… tất cả như bước ra từ những tiểu thuyết Trung Quốc mình đọc thuộc làu từ hồi bé.
  Cổ trấn khá nhỏ nên bạn có thể đi bộ tham quan từng ngõ ngách một. Trong mấy ngày ở đây, mình dành cả ngày lang thang trên từng con đường, từng ngõ phố của cổ trấn một cách …free. Thực ra nếu bạn mua vé vào cổ trấn sẽ mất 148 tệ (gần 500k) hơi đắt, mà mình thấy mấy điểm tham quan cũng không có gì hấp dẫn lắm nên không mua. Vậy nên nếu bạn muốn vào tham quan nhà của các danh nhân này nọ thì mua vé, không thì chỉ cần đi bộ dọc bờ sông và các con phố là đủ rồi. Các điểm nên ra chụp ảnh sống ảo là cầu Hồng Kiều, cầu đá, bờ sông, hoặc bất kỳ ngóc ngách nhỏ nhắn xinh xắn nào mà bạn lạc phải.
  Hiện nay Phượng Hoàng cổ trấn trở nên cực kỳ đông đúc và ồn ào. Bởi vậy, nếu bạn mong muốn đến đây để được tìm thấy một cổ trấn yên bình và cổ kính, lặng lẽ và bình yên thì không nên hy vọng nhiều. Cùng với đó, sự thương mại hóa đã len vào từng ngóc ngách nhỏ của cổ trấn, với các hàng quán lưu niệm, bar, nhạc sống sập sình… Với cá nhân mình, Fenghuang vẫn rất đẹp, rất đáng yêu bởi con người ở đây cực kì thân thiện và gần gũi, cảnh quan dù náo nhiệt nhưng được gìn giữ bảo tồn hết sức cẩn thận. Lúc nào cũng có người nhặt rác trong các con phố và trên sông, nên sự sạch sẽ được đảm bảo tối đa hết mức…
  Hồng Giang cổ thương thành: Là một địa điểm còn khá mới mẻ đối với đa phần khách du lịch tại Việt Nam. Nơi này cách Phượng Hoàng cổ trấn khoảng 200km đường ô tô, nằm cạnh con sông Nguyên tuyệt đẹp, hiện nay thuộc khu Hồng Giang, thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, được bắt đầu xây dựng cuối đời nhà Nguyên đầu đời nhà Minh và đỉnh cao phồn thịnh chính là đời Minh - Thanh. Sự cũ kĩ và cổ kính được bảo tồn một cách nguyên vẹn ở đây, kết hợp với nhịp sống chậm rãi và bình lặng của người dân, đã tạo nên một nét hấp dẫn rất riêng cho Hồng Giang cổ thương thành. Mặc dù chỉ có chưa đầy một ngày lưu trú tại đây, nhưng đã đủ để mình có một ấn tượng hết sức sâu sắc và tốt đẹp với mảnh đất và con người Hồng Giang.
ĂN UỐNG
  Bên Trung Quốc có rất nhiều loại thịt xiên, rau củ quả xiên, thập cẩm xiên… Giá dao động từ 5 - 10 tệ mỗi loại. Ăn cũng vui miệng nhưng đừng vui quá, cộng lại cũng nhiều tiền phết đấy.
  Đồ ăn Hồ Nam nói chung cực cay và mặn, đồng thời dân Trung Quốc họ ăn nhiều dầu mỡ và rất ít ăn rau. Trong mấy ngày đi chơi đoàn mình cũng khốn khổ chuyện ăn uống nhiều nhiều. Có bữa ngon, cũng có bữa mặn chat hoặc cay xè không nuốt nổi, đã vậy còn không có rau. Vậy nên trước khi gọi bất cứ món ăn nào, bạn nhớ dặn họ là không ăn được cay và mặn để họ gia giảm nhé.
  Đến Phượng Hoàng nên ăn thử lẩu cá cay (hơi cay thôi nhé). Các quán ven sông đều có cả, cứ chọn một quán bất kì mà thưởng thức. Đoàn mình lần này đi cũng lầy, thấy mấy bữa ăn ít rau quá, thế là ra chợ mua rau hết hẳn 14 tệ xong mang về khách sạn rửa. Đến lúc đi ăn lẩu thì chọn lên tầng 2, xong gọi lẩu cá và nhúng rau của mình, 6 người ăn mãi không hết rau. Trung bình mỗi bữa nhóm mình gọi 1 nồi lẩu, thêm 2, 3 món ăn cơm thì rơi vào tầm 160 - 200 tệ, chia ra cũng không phải là đắt.
  Buổi tối nếu đói có thể đi ăn đồ nướng chỗ cầu Hồng Kiều đi lên một chút, hai người gọi đồ cũng hết tầm 60 tệ, kiểu cánh gà, rau cải thảo, nấm hương, thịt bò, thịt lợn…
  Ăn nhậu hãy gọi bia Tsingtao nhé, uống vừa ngon vừa nhẹ ok lắm.
  Ăn sáng thì có mì bò hoặc bánh bao, bánh màn thầu… Nói chung cứ thấy quán nào đông thì rẽ vào không sao đâu, cùng lắm là đau bụng thôi.
DI CHUYỂN
  Gia Lâm – Nam Ninh: Tàu liên vận chỉ có một chuyến khởi hành lúc 21h20, khi lên tàu sẽ có nhân viên thu lại vé giấy của bạn và đưa vé cứng. Tàu sạch sẽ lịch sự, có khoang riêng gồm 4 giường. Tàu đi khá chậm, khoảng 1h sáng sẽ đến ga Đồng Đăng để làm thủ tục xuất cảnh. Lúc này bạn sẽ phải mang toàn bộ hành lý xuống để kiểm tra và đóng dấu xuất cảnh. Thủ tục bên phía Việt Nam rất lâu và mất đến hơn 1 tiếng đồng hồ ở đây. Sau đó lại lếch thếch xách vali lên tàu..ngủ tiếp. Mơ màng đến khoảng 3h sáng lại tiếp tục công cuộc vác vali xuống ga Bằng Tường làm thủ tục nhập cảnh. Bên nước bạn kiểm tra hành lý gắt gao hơn, mình còn bị mở vali ra để khám nhưng bù lại thủ tục nhập cảnh lại làm nhanh hơn. Các bạn nhớ mang theo bút để điền tờ khai nhập cảnh nhé. Tàu sẽ dừng ở đây khoảng 2 tiếng mới đi tiếp và đến Nam Ninh lúc 10h sáng.
  Nam Ninh – Trương Gia Giới: Do vé của đoàn mình là vé online nên cần phải ra ga để đổi thành vé giấy. Công cuộc đổi vé cũng tốn kha khá thời gian nên các bạn cần ra ga sớm một chút. Cũng tại cổng soát hành lý vào ga Nam Ninh, mình đã bị thu mất chai xịt tóc. Các bạn nhớ đừng mang mấy chai xịt tóc xịt dưỡng này nọ trên 100ml nhé, sẽ bị tịch thu hết đấy. Lần này mình nằm ở khoang 6 người, không có cửa. Tàu của các bạn Trung Quốc đi rất nhanh và không hề rung lắc gì cả, tuy nhiên tương đối lộn xộn và bẩn. Trên tàu có sẵn nước nóng nên bạn có thể mua mì hộp giá 5 tệ ăn kèm với xúc xích cũng được lắm. Tàu chạy tương đối nhanh, khoảng 9h sáng hôm sau các bạn sẽ có mặt tại Trương Gia Giới.
 Trương Gia Giới – Phượng Hoàng cổ trấn: Bạn phải ra bến xe để mua vé đi Phượng Hoàng cổ trấn. Cố gắng chọn chuyến sớm vì thời gian di chuyển cũng mất 5 tiếng rồi. Mình đi chuyến 8h30 sáng và gần 2h chiều đến nơi. Trên xe bạn sẽ được nghe hướng dẫn viên của họ giới thiệu về Phượng Hoàng cổ trấn các thứ các thứ BẰNG TIẾNG TRUNG suốt 1 tiếng đồng hồ…
  Phượng Hoàng cổ trấn – Hồng Giang cổ thành: Ban đầu nhóm mình thuê xe 7 chỗ giá 550 tệ chỉ đi đến Hồng Giang thị, dự định hôm sau mới từ Hồng Giang thị đi bus về Hồng Giang cổ thương thành. Xe lên đường lúc 12h30 trưa, có dừng lại ga Hoài Hóa để mua vé tàu Hoài Hóa-Nam Ninh vào hôm sau ( mua chuyến 21h tối cho thong thả đừng mua sớm quá làm gì). Nhưng sau một hồi lạc đường các kiểu thì quyết định bảo lái xe chở thẳng đến Hồng Giang cổ thành luôn. Cuối cùng trong cái rủi lại có cái may, vừa thuê được khách sạn tốt, vừa không mất thời gian sáng hôm sau di chuyển. Quãng đường 200km từ Phượng Hoàng cổ trấn đến Hồng Giang cổ thành mất khoảng 3-4 tiếng nhé.
  Hồng Giang – Hoài Hóa: Hôm sau bọn mình nhờ khách sạn thuê xe 7 chỗ chở từ Hồng Giang đến thẳng ga Hoài Hóa giá 180 tệ. Trên đường các bạn có thể bảo lái xe dừng lại cho chụp ảnh vì cảnh rất đẹp, chả khác gì Châu u luôn.
KHÁCH SẠN
  Khi đến Nam Ninh, nhìn thẳng từ lối ra ga tàu sang bên kia đường bạn sẽ nhìn thấy khách sạn Ying Bin hotel cho nghỉ theo giờ. Đoàn mình thuê hai phòng giá 140 tệ. Bạn nên thuê phòng để cất đồ đạc, nghỉ ngơi tắm rửa, hoặc thích thì đi chơi loanh quanh đến gần giờ tàu chạy thì lấy đồ sẽ tiện hơn rất nhiều. Còn nếu không có nhu cầu tắm rửa thì bạn có thể gửi hành lý ở ga, 10 tệ/vali.
  Ở Trương Gia Giới mình chọn khách sạn Zhongtian International Youth Hostel, chỉ cách ga 10p đi xe bus, cách công viên Trương Gia Giới 20p đi xe. Giá phòng dorm là 50 tệ/người. Ở sạch sẽ và quan trọng là có hố xí bệt.
  Đến Phượng Hoàng cổ trấn bọn mình ở hai khách sạn. Lý do là khách sạn ban đầu một chị trong đoàn đặt qua booking ở quá xa trung tâm cổ trấn, đi lại hơi bất tiện, đồng thời giá phòng cũng cao (188 tệ/phòng). Nên hôm sau bọn mình quyết định đi tìm khách sạn ở khu trung tâm cho tiện. Cuối cùng cũng tìm được một khách sạn ở ngay chân cầu Hồng Kiểu, ngõ đối diện với KFC giá chỉ 150 tệ/phòng.
  Đến Hồng Giang, cả nhóm tìm được một khách sạn ở ngay đầu đường XinMin Rd. Ở đây rất tiện vì cuối đường là lối vào khu vực cổ thành, nên chỉ đi bộ khoảng 10 phút là đến nơi. Khách sạn đẹp đẽ sang chảnh cũng chỉ có giá 100 tệ/phòng.
  Nói chung khi đi thuê khách sạn vào mùa thấp điểm này, các bạn cứ mặc cả xuống khoảng 50 tệ/người/đêm là hợp lý. Đừng ngại mặc cả nhé, không được thì thôi đi thuê chỗ khác không có gì phải căng cả.
MUA SẮM
  Phần này dành cho những đứa trót nghiện shopping như chúng em, cuối cùng thân làm tội đời lúc đi hai vali, lúc về 4 vali… Ai không có nhu cầu thì bỏ qua nhé mệt mỏi lắm.
  Ở Phượng Hoàng cổ trấn bạn có thể mua mấy thứ này về làm quà hoặc dùng:
  • Thịt khô, lạp xưởng khô: Bán rất nhiều, kể cả gánh hàng rong hay trong cửa tiệm bao bì các kiểu. Giá đâu khoảng 45-50 tệ một gói thì phải. Mua về thái ra uống bia cũng rất hay.
  • Hài thêu: Cái này có vẻ rất được các chị em mê mệt. Kết quả là ngoài mua cho bản thân, em phải vác thêm về gần 20 đôi do nhiều người nhờ mua hộ quá. Giá cả tùy loại dao động từ 200k - 300k. Có cả đế cao và đế thấp, buộc dây và không buộc dây nhé.
  • Ngoài ra còn có kiwi sấy khô 25 tệ, kẹo kéo tẩm gừng 10 tệ/gói mua về ăn vặt cũng ok nhé.
  Ở Nam Ninh thì sầm uất hơn nhiều. Con đường lớn nhìn thẳng từ ga sang chính là trục đường mua sắm chính của thành phố luôn. Cuối đường sẽ nhìn thấy H&M, Uniqlo. Có cả Zara mà hết tiền nên cũng không ra làm gì cho đau lòng. Ngoài ra nên mua vali nếu có nhu cầu nhé. Kiểu vali màu bạc sang chảnh na ná Rimowa cỡ nhỏ chỉ 200 tệ nhưng dùng cũng ok lắm. Có thể rẽ vào các chợ bán buôn trên trục đường này luôn để mua tất, khăn… về làm quà. Nhớ là mua cái gì cũng phải mặc cả nhé, cứ mặc cả khoảng 30 - 40% thôi ở đây họ biết mình là người Việt Nam sang mua lẻ nên không giảm nhiều quá đâu.
NHỮNG THỨ CẦN CHUẨN BỊ
  Làm visa: Visa đi Trung Quốc thì trước nay mình vẫn làm ở Nam Thanh, địa chỉ 51 Đào Duy Từ. Nếu ở xa bạn chỉ cần gửi hồ sơ theo đường chuyển phát nhanh, không cần lên tận nơi, lúc nhận cũng vậy cực kỳ tiện lợi. Hồi mình làm giá vẫn là 80$. Còn bây giờ các bạn sẽ phải làm đắt hơn, khoảng 100-110$ gì đó do lệ phí cấp visa của Trung Quốc tăng sau khi mở Trung tâm dịch vụ visa.
  Vé tàu: Mua vé chiều Gia Lâm – Nam Ninh chuyến 21h20 (không bán khứ hồi) tại ga Gia Lâm. Nên mua theo nhóm 6 người để được giảm giá 25%. Đoàn mình đi mua vé sau khi giảm giá còn 568k/vé. Chiều từ Nam Ninh đi Trương Gia Giới giá 201-207 tệ tùy giường bạn có thể tham khảo các bài viết khác cũng hướng dẫn khá chi tiết về việc đặt vé tàu qua Trip. Lưu ý là nên đặt trước từ 20 ngày cho chắc ăn nếu không muốn chịu cảnh ngồi ghế suốt 15 tiếng trên tàu. Chiều từ Nam Ninh về Gia Lâm giá 200 tệ mua ngay khi đến ga Nam Ninh tại quầy vé, chiều từ Hoài Hóa về Nam Ninh giá 164 tệ cũng vậy, mua ngay tại ga Hoài Hóa luôn.
  Đổi tiền: Đợt mình đi thì tỉ giá là 3280 (100 tệ ăn 328k). Bạn ở Hà Nội thì ra Hà Trung đổi, còn ở Hải Phòng thì ra Hùng Lệ ở Lương Khánh Thiện. Một lưu ý là bạn nên đổi dư tiền ra nhé cho chủ động. Vì thẻ visa hay master card hầu như là vô dụng ở Trung Quốc.
  Nên chuẩn bị sạc dự phòng, pin và thẻ nhớ cho máy ảnh đầy đủ nếu không muốn tiếc hùi hụi vì cảnh đẹp trước mắt mà máy ảnh, máy điện thoại hết pin.
  Quần áo ấm, khăn ấm nếu đi vào tầm tháng 11 giống bọn mình. Khi mình đến Trương Gia Giới , nhiệt độ chỉ còn khoảng 10 độ C và còn lạnh hơn nếu bạn lên núi cao. Tuy nhiên hãy mang gọn nhẹ hết sức có thể nói thật lòng luôn. Bọn mình điệu đà sống ảo nó quen mang rõ nhiều, kết quả là lắm lúc chỉ muốn vứt luôn hai cái vali (lúc đi về thành 4) vì quá mệt quá nặng.
  Sim điện thoại 4G: Sim 4G: Rất nên mua, mua từ Việt Nam mà cầm sang, mỗi người một cái dùng cho chủ động chả đáng bao nhiêu đâu đừng tiết kiệm. Mình mua sim của bác @Nguyễn Quang Hiển, loại China Unicom 8 ngày 7Gb tốc độ cao. Giá sim là 340k/chiếc, có giảm giá tuỳ vào độ lươn lẹo của bạn. Sim dùng ổn định, vào mạng rất nhanh kể cả lên vùng cao như Shangri-la mà không cần dùng tới VPN hay Betternet… Lưu ý là khi lắp sim xong, bạn phải bật chế độ roaming lên thì mới sử dụng được nhé chứ đừng vội bẻ sim.
  Thuốc đau bụng, cảm cúm…
  Hết sức quan trọng nữa là GIẤY VỆ SINH. Vấn đề đi toilet của các bạn Tàu hơi khó hiểu, nhưng tóm lại vài cuộn giấy vệ sinh là rất cần thiết cho bạn khi đi tàu xe và các điểm tham quan đấy.
LƯU Ý CHỐNG CHỈ ĐỊNH VỚI
  Những bạn có tiền sử say tàu say xe, sức khỏe yếu kém… Mình nói luôn từ trước đến giờ mình đi du lịch không quá hành xác, nhưng cũng không hẳn như đi nghỉ dưỡng. Chuyến đi này có tổng cộng 4 chuyến tàu, mỗi chuyến khoảng 12 tiếng đồng hồ. Ngoài ra là 3 lượt xe đi về mỗi chuyến khoảng 5 tiếng. Ngoài ra mỗi ngày bạn sẽ đi bộ liên tục khoảng 8-10 tiếng đồng hồ, trên mọi địa hình đồng bằng, núi cao… Vì vậy nên nếu không có sự chuẩn bị tốt về sức khỏe, khả năng bạn bị ốm hoặc quá mệt dẫn đến đi chơi mất vui là rất cao.
  Một điều hết sức quan trọng nữa: NHẤT ĐỊNH PHẢI CÓ NGƯỜI BIẾT NÓI TIẾNG TRUNG TRONG ĐOÀN. Bởi vì trong một chuyến đi, lịch trình mà mình đưa ra từ trước chỉ mang tính chất tham khảo. Sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra trong chuyến đi mà chúng ta không thể lường trước được, cũng chẳng có trong bất kì bài review nào mà bạn đọc hết. Chuyến đi này bọn mình gặp rất nhiều vấn đề trong chuyện thuê xe pháo, đặt đổi vé tàu, đặt khách sạn… mà nếu không có một người biết tiếng Trung, khả năng chuyến đi gặp trở ngại là rất lớn. Tất nhiên nếu thích bạn vẫn có thể đi Trung Quốc mà không cần tiếng Trung, nhưng lịch trình sẽ khó khăn gấp bội, và lúc gặp chuyện bạn sẽ cảm nhận được sự bất lực vì không ai hiểu mình, mình cũng không thể hiểu ai cả…
Review chi tiết và ảnh xinh của anh Hiệp Lê (FB)