REVIEW HÀNH TRÌNH SÀI GÒN - CAO BẰNG 4N4Đ

  Nếu như đến Hà Giang sẽ khiến chúng ta phải choáng ngợp vì quá đỗi hùng vĩ thì Cao Bằng lại mang trong mình một vẻ đẹp dịu dàng và lãng mạn. Một lần được đặt chân tới Cao Bằng thì chắc chắn bạn sẽ không còn nghi ngờ gì về cái tên mỹ miều mà mọi người đã ưu ái đặt cho nơi đây - Viên ngọc xanh của vùng Đông Bắc.
  Khi đến đây, mình bị choáng ngợp bởi màu xanh. Núi xanh. Cỏ xanh. Nước cũng xanh. Với mình, từng nơi, từng địa điểm mình có cơ hội đặt chân qua ở Cao Bằng đều mang lại nhiều cảm xúc lưu luyến từ cảnh vật, ẩm thực lẫn con người. Mời các bạn cùng mình trải nghiệm hành trình 4N4Đ ở nơi đây.
Hành trình di chuyển
  Nhóm mình đi từ Sài Gòn nên lịch trình di chuyển 2 chặng.
  ⦁ SG tới Hà nội - bằng máy bay.
  ⦁ Hà Nội tới Cao Bằng - xe giường nằm, có rất nhiều hãng xe khách. Nhóm mình chọn nhà xe Bốn Hai và đặt xe đón tại gần sân bay Nội Bài luôn.
  ⦁ Lưu ý cho những bạn đi từ SG như nhóm tụi mình là nên chọn chuyến bay từ SG tầm 19h và chọn Vietnam Airline tránh bị delay trễ giờ vì phải đi đúng giờ xe khách đón. Tới sân bay Nội Bài khoảng 22h kém, di chuyển taxi (khoảng 2km) ra chỗ điểm đón của xe khách.
  ⦁ Xe khách di chuyển ban đêm khá nhanh nên khoảng 4h sáng là đến được TP Cao Bằng. Nhóm mình thuê xe máy để di chuyển. Chỗ thuê xe máy có phòng cho tụi mình nghỉ ngơi, tới sáng rồi nhận xe máy và bắt đầu cuộc hành trình.
LỊCH TRÌNH DI CHUYỂN
  • Ngày 1: TP. Cao Bằng - Phia Oắc (70km) - Rừng trúc Nguyên Bình (40km) - Đèo Mẻ Pia (Khâu Cốc Chà) (55km) - Pác Pó (60km)
  Phia Oắc: là một trong hai đỉnh núi cao nhất trong khu vườn quốc gia. Đỉnh Phia Oắc có độ cao 1.931m, được ví như “nóc nhà” phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Vì càng lên cao càng lạnh và sương mù nên các bạn lên đây nhớ mặc ấm một chút, nếu đi mùa đông sẽ có tuyết. Tại đây có trạm phát sóng FM của Đài Tiếng nói Việt Nam được xây dựng trên đỉnh núi. Đứng từ đây, tay bạn có thể chạm vào mây, phóng tầm mắt, ngắm được toàn cảnh mây bay trên miền hùng vĩ của núi rừng Cao Bằng.
  Rừng trúc Nguyên Bình: Nguyên Bình là huyện có mật độ trồng trúc lớn nhất của tỉnh CB. Địa điểm này nằm trên cung đường di chuyển từ Nguyên Bình sang đèo Mẻ Pia. Cung đường dẫn đến rừng trúc rất đẹp, 2 bên là những hàng trúc đan lại như một mái vòm xanh trải dài. Cách thị trấn Nguyên Bình khoảng 40km, rừng trúc thuộc xóm Bản Phường, xã Thành Công có không gian xanh mát với hàng nghìn cây trúc sào cao vút, vươn mình hòa cùng trời mây.
  Đèo 14 tầng Mẻ Pia: Được mệnh danh là "con đèo đáng sợ nhất Việt Nam" với 14 tầng đèo uốn lượn, là cung đường nổi tiếng bởi sự khúc khuỷu, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất núi rừng Đông Bắc. Từ Nguyên Bình, đi theo google map địa điểm ‘’Đèo Khâu Cốc Chà’’ sẽ dẫn đến quán tạp hóa Nông Văn Ngoan, từ đây bạn gửi xe sau đó phải trekking thêm tầm 2km đường núi nữa mới lên được mỏm đá nơi nhìn được toàn cảnh đèo Khau Cốc Chà. Vì nhóm mình di chuyển cả ngày đến đây là điểm cuối và đã rất mệt, nhưng tin mình đi, nó thực sự rất đáng để trải nghiệm.
  Sau đó nhóm mình di chuyển thêm 55km từ đây về Mế Farmstay thuộc Pác Pó (Hà Quảng) để nghỉ ngơi và ăn tối tại Farm luôn.
  • Ngày 2: Mế Farmstay - KDL Pác Pó - Suối Lê Nin (3km) - Núi Mắt Thần (Trà Lĩnh) (55km)
  Mế Farmstay: Vì ngày đầu di chuyển quá nhiều nên buổi sáng nhóm mình ưu tiên ăn uống và nghỉ ngơi trong home. Mế Farmstay là một trong những homestay lớn và nổi tiếng được nhiều bạn đến check in. Ở đây còn cho thuê đồ dân tộc, áo dài, váy vóc để chụp hình. Nguyên buổi sáng chỉ cần dạo chơi quanh Home là đã có cả trăm góc ảnh đẹp để sống ảo. Mình đặc biệt thích dòng sông nhỏ ở phía trước. Nước trong xanh và mát lạnh, có bè cho các bạn thử trải nghiệm chèo ra sông chơi, chụp hình.  
   KDL Pác Pó, suối Lê Nin: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang. Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng, Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
  Đây là khu di tích lịch sử đặc biệt, là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh từng sống, làm việc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Ở đây có bảo tàng nhỏ trưng bày tranh ảnh, hiện vật và những cột mốc quan trọng của cách mạng Việt Nam. Ngoài ra các bạn còn được dịp chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Suối Lê Nin trong vắt như một dải lụa uốn lượn dưới chân núi Các Mác hùng vĩ. Dòng suối hiền hòa xanh màu ngọc bích tuôn chảy từ đầu nguồn Pác Bó.
  Buổi chiều nhóm mình di chuyển về Trà Lĩnh để tối Camping tại Núi Mắt Thần. Quãng đường 55km nên tùy tốc độ đi nhanh chậm của nhóm các bạn canh giờ để đến đây khoảng 16h là thời gian phù hợp nhất để đón được cảnh hoàng hôn tuyệt vời, mặt trời lặn qua khe núi trùng trùng tạo nên một vầng ráng chiều vàng rực phía sau những ngọn núi phủ xanh hùng vĩ.
  Sáng nên tranh thủ dậy sớm một chút để chụp hình, và đi dạo. Không khí trong lành, thảo nguyên xanh mát cùng những bé ngựa, trâu thong dong gặm cỏ. Chuyến camping này mình thực sự rất mong đợi từ khi lên plan cho đến lúc thực hiện, là một điểm nhấn và trải nghiệm cực kì thú vị của cả nhóm mình trong suốt chuyến hành trình khám phá Cao Bằng này.
  • Ngày 3: Núi Mắt Thần - Thác Bản Giốc (60km)

   Sau khi Camping xong là hơn 9h thì nhóm mình xuất phát đi về Thị trấn Trùng Khánh để ăn trưa và cà phê nghỉ ngơi một chút rồi di chuyển về Homestay ở Làng đá Khuổi Ky cất hành lý. Từ đây chỉ cần đi 3km là đến Thác Bản Giốc.

  Thác Bản Giốc là địa điểm check in cực kì nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng. Đây là con thác lớn thứ tư thế giới với một nửa thuộc Việt Nam, một nửa thuộc Trung Quốc. Đứng từ bên này nhìn sang, cách một dòng sông nhỏ là nhìn thấy người anh láng giềng Trung Quốc ở bên kia. Thác mang một vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, như một “nàng tiên” nằm ẩn mình giữa đại ngàn xanh mát. Những khối nước lớn đổ xuống các bậc núi đá vôi, tạo ra làn nước trắng xóa bay ngang lưng chừng núi. Cảnh ở đây trong vô cùng thơ mộng với hơi nước bốc lên tạo thành sương mù huyền ảo, như chốn bồng lai tiên cảnh làm say lòng du khách.

  Vé vào cổng: 45k/người, vé đi thuyền ra giữa thác: 50k/người. Ở phía trước khu bán vé có nhiều chỗ cho thuê đồ dân tộc, hoặc váy vóc để chụp hình.
  Sau đó nhóm mình di chuyển về Homestay và ăn tối tại đây.
  • Ngày 4: Làng đá Khuổi Ky (Yến Nhi Homestay) - TP. Cao Bằng (80km) - Hà Nội - Sài Gòn
  Làng đá Khuổi Ky một ngôi làng truyền thống của người Tày nơi vẫn còn lưu giữ đặc trưng nét đẹp đời sống tinh thần, vật chất của người dân tộc Tày Cao Bằng qua nhiều thế hệ. Với những ngôi nhà sàn mang dáng dấp cổ xưa, hoàn toàn bằng đá. Nép mình bên dãy núi, ngôi nhà của người dân bản địa nổi bật giữa không gian núi rừng rộng lớn, xanh mát. Trước làng, có dòng suối Khuổi Ky chạy qua càng góp phần tô điểm cho bức tranh thiên nhiên trở nên thơ mộng.
  Nhóm mình ở tại Yến Nhi Homestay, anh chị chủ đều là người Tày, rất dễ thương và hiếu khách. Homestay được xây dựng theo lối kiến trúc bằng đá như những ngôi nhà cổ ở đây. Điều đặc biệt là khuôn viên của Homestay được nằm kế bên một hang đá tự nhiên với những khối thạch nhũ rủ xuống rất đặc sắc.
  Buổi sáng nhóm mình ăn sáng ở homestay và đi loanh quanh làng chụp hình sau đó trả phòng và di chuyển về thành phố Cao Bằng.
  Nhóm mình trả xe máy và xe khách đón tụi mình lúc 12h30. Khoảng 19h nhóm mình đến sân bay Nội Bài và check in chuyến bay đêm về Sài Gòn, kết thúc hành trình.
Chi phí cho chuyến đi 4N4Đ từ Sài Gòn
  • Vé máy bay SG - HN khứ hồi: 2tr4/người (các bạn có thể đặt sớm để có vé rẻ hơn)
  • Vé xe khách khứ hồi HN - CB: 700k/lượt/người
  • Thuê xe máy: 200k/ xe/ ngày ~ 100k/người
  • Ăn sáng tại Cao Bằng và ăn trưa tại Nguyên Bình: 100k/người
  • Mế Farmstay: Nhóm mình 6 người, ăn tối, ở qua đêm, và ăn sáng, ăn trưa ở đây tổng: 3tr5/ 6 người ~ 600k/người
  • Camping ở núi Mắt Thần: 750k/người
  • Ăn trưa, cà phê tại Trùng Khánh: 150k/người
  • Yến Nhi Homestay: Ăn tối, ở qua đêm và ăn sáng, cà phê: 2tr7/6 người ~ 450k/người
  • Vé vào cái điểm du lịch: 150k/người
  • Tiền xăng xe và mua lặt vặt: 300k/người
  Tổng: 5.700.000/người
Ăn gì ở Cao Bằng?
  Đây là những món đặc trưng nhất định phải thử khi đến Cao Bằng:
  1. Bánh cuốn Tâm 36 Kim Đồng
  2. Phở chua Quyên 005 Phố Hiến Giang
  3. Hạt dẻ Trùng Khánh
  4. Vịt quay lá mắc mật
  5. Cá suối chiên
  6. Rau dạ hiến
  7. Lạp xưởng Cao Bằng
  Các món vịt quay, cá suối, rau đa số mình đặt cơm ở Homestay đều có.
Những điều cần lưu ý
  Thời điểm đẹp nhất để đến Cao Bằng từ tháng 8 đến tháng 10, khoảng thời gian này thời tiết mùa thu mát mẻ và dễ chịu, không mưa, không nắng gắt. Thác Bản Giốc cũng đổ nước nhiều và trong xanh, nhiều đoạn ruộng bậc thang chín vàng.
  Sáng sớm và tối ở vùng núi Cao Bằng tiết trời se se lạnh, nhiệt độ có thể hạ xuống 15-16 độ. Di chuyển bằng xe máy bạn nhớ mặc áo ấm.
  Do phải di chuyển liên tục và khoảng cách giữa các điểm đến khá xa, đường cũng vắng và nhiều khúc đèo nguy hiểm, nên mọi người cố gắng di chuyển về homestay trước khi trời tối cho an toàn.
  Vì di chuyển toàn bộ bằng xe máy, không lưu trú ở 1 chỗ, mà di chuyển liên tục do đó các bạn nên mang theo balo hoặc túi xách hành lí thay vì vali cũng như tối giản hành lý nhất có thể để dễ dàng chở theo xe.
  Nhớ chú ý xăng và đổ đầy bình khi đến các trạm xăng vì rất ít trạm và các điểm rất xa nhau.
  Dù sáng nào cũng phải dậy từ rất sớm, di chuyển liên tục để không bỏ lỡ khoảnh khắc nào. Có mệt mỏi, có nắng gió, nhưng cái mà mình nhận lại là những trải nghiệm của bản thân, để thỏa cái đam mê khám phá, phóng tầm mắt vào những vùng đất mới, những kỉ niệm nơi vùng đất Cao Bằng hùng vĩ nên thơ và yên bình. Bởi vì hạnh phúc của tuổi trẻ là được phép lang thang.
  Bài review của mình khá dài, hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn có được những thông tin hữu ích khi đến với Cao Bằng. Good luck for your trip!
Review siêu chi tiết của bạn Hồ Mai Hương