“Gió nào độc bằng gió Gò Công”
Không biết từ bao giờ trong dân gian Nam Kỳ đã truyền tai nhau câu ca dao “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc, gió nào độc bằng gió Gò Công” nhưng có mấy ai hiểu rõ được câu nói này, cho đến khi tìm hiểu về Gò Công thì mới thật sự hiểu “gió độc" ở Gò Công là như thế nào.
Vài điều chưa biết về mảnh đất Gò Công
Cũng giống như những ngày gần đây khi cả nước đang hướng về lũ lụt miền trung thì “gió độc” Gò Công kể về trận lụt năm Giáp Thìn 1904. Đọc lại sách sử thì trận bão năm này không chỉ quét tâm điểm vô miệt Gò Công, Định Tường mà còn lan rộng ra miệt Vàm Cỏ, Chợ Lớn, Gia Định và kéo tuốt lên trên Nam Vang. “Bão đổ vô như hình cánh quạt, rẽ qua hai bên Đồng Nai và Cửu Long rồi dồn lại, kẹp Gò Công vô chánh giữa nên bao nhiêu tai ương dân xứ này gánh đủ. Nhà cửa ruộng vườn tan nát, trâu bò ngổn ngang, bao nhiêu gia đình ly tán…” - Sơn Nam.
Và cũng có thể từ sự kiện này, dân gian đã ví von miệt Gò Công khắc nghiệt qua câu ca dao “Gió nào độc bằng gió Gò Công”.
“Gặp em đây mới biết em còn
Hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi.”
Những địa điểm du lịch cho bất kỳ ai đến với xứ này lần đầu
Ấn tượng ban đầu về thị xã Gò Công là hai từ “yên bình” và “cổ kính”, từ những căn nhà cho đến khu chợ Gò Công đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà có kiến trúc xưa cũ làm cho mình cảm giác quay lại thời của những thập niên trước.
Biển Tân Thành - Gò Công Đông
Bãi biển trải dài suốt 7km thuộc dòng sông Mê Kông, hơn 300 mét ở đây đã được xây dựng kè kiên cố để phục vụ du lịch. Nơi đây, tuy không phải là địa điểm quá nổi tiếng nhưng lại sở hữu sức hút đặc biệt riêng.
Điểm độc đáo là cát ở biển Tân Thành không phải màu vàng như ở những nơi khác mà có một màu đen hiếm có. Vì nằm không quá xa so với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ cách khoảng 80km nên địa điểm này được khách du lịch lui tới quanh năm. Đông đúc nhất là vào những mùa đánh bắt hải sản lớn như: mùa nghêu, ghẹ, mùa sam biển…
Dinh Đốc Phủ Hải
Dinh Đốc Phủ Hải hay nhà Đốc Phủ Hải là một ngôi nhà cổ có lối kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông – Tây độc đáo. Mặc dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, ngày càng được nhiều du khách đến tham quan chụp hình mỗi khi có dịp du lịch Tiền Giang. Về xứ Gò Công ghé thăm nhà cổ, tận mắt chứng kiến những cổ vật, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc bạn có thể cảm nhận cuộc sống vương giả của một gia đình Đốc phủ.
Ngôi nhà do bà Trần Thị Sanh con của Bá hộ Trần Văn Đồ dựng năm 1890. Nhà được xây cất theo dạng chữ Đinh (lúc ban đầu), qua nhiều lần tu bổ và xây dựng, toàn bộ ngôi nhà ngày nay gồm ba phần: nhà chánh, hai nhà vuông - nơi ở của những người giúp việc và lẫm lúa (kho thóc của địa chủ).
- Địa chỉ: Phường 1 - Thị xã Gò Công
Dinh tỉnh trưởng Gò Công
Dinh tỉnh trưởng hay còn gọi là Dinh Chánh tham biện Gò Công, được người Pháp xây dựng vào năm 1885, với kết cấu 1 trệt và 1 lầu. Trước năm 1975, Dinh Chánh tham biện Gò Công là trụ sở cơ quan công quyền lớn nhất của Gò Công. Đến nay thì Dinh đã xuống cấp khá trầm trọng mong là trong tương lai Dinh nhanh chóng được sửa chữa, trùng tu lại để Dinh có thể trở thành một điểm đến du lịch tại Gò Công.
- Địa chỉ: Đường Nguyễn Văn Côn - Phường 2 - Thị xã Gò Công
Đình Trung
Đình Trung thị xã Gò Công, Tiền Giang có diện tích khá lớn. Từ thời xưa đình được gọi là Đình Thành phố, cho tới năm 1882, thị xã Gò Công được gọi là làng Thành phố, tỉnh Gò Công, đình có tên “Đình Thành Phố Thôn”. Đến năm 1930, đình được nâng cấp, xây dựng lại với quy mô bề thế như hiện nay. Tới năm 2004, đình mới đổi tên là Đình Trung. Kiến trúc ngôi đình là một phức hợp, có ba tòa nhà xếp nếp theo hướng Bắc Nam. Các mái chồng lớp nhau theo thế “sắp đọi”, đầu hồi vươn cao khắc chạm hình “long hổ hội” và hình rùa đội “Hà đồ lạc thư”.
Đình Tân Đông
Đình Tân Đông nằm giữa cánh đồng cỏ mọc um tùm gồm gian chánh điện, gian phụ và sân đình. Phía trước đình có khắc niên đại năm 1907, không ai biết chính xác năm ấy ngôi đình được xây dựng hay năm trùng tu. Theo nhiều bậc cao niên nhận định rằng ngôi đình có từ thời vua Minh Mạng, nhưng kiến trúc hoa văn và họa tiết khắc nổi trên đình lại mang đặc trưng của kiến trúc đình thời Nguyễn. Đình ngày nay được xây lại trông khá mới mẻ, giữ lại được mảng tường với hai gốc cây Bồ Đề ngoài trước.
Cảm ơn bài viết cực chi tiết của bạn Nguyễn Hoàn Hảo (@nghoanhao)