Đầu xuân, ai ai cũng xúng xính đi chùa đầu năm với mong muốn một năm an khang, thịnh vượng, may mắn cho bản thân và gia đình. Dưới đây là những ngôi chùa linh thiêng miền Bắc dành cho mọi người nha.
Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Chùa Bái Đính nằm trong quần thể Danh thắng Tràng An, được đánh giá là ngôi chùa lớn nhất. Có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang các vị La Hán dài nhất Châu Á, có tượng Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, để tới được điện Quan Âm, Pháp Chủ, Tham Thế, phật tử phải đi qua đoạn đường khá dài. Đoạn đường này nhằm thể hiện lòng kiên nhẫn, tôn kính với chốn cửa Phật.
“Ghé chơi Ninh Bình, đừng quên ghé thăm chốn nổi tiếng tâm linh này.
Để tâm hồn được an yên, gột rửa những quẩn quanh trong lòng…”
Tây Yên Tử (Bắc Giang)
Đây là một trong những địa điểm du lịch tâm linh được nhiều người lựa chọn dịp xuân này. Cách Hà Nội hơn 100km, Tây Yên Tử Bắc Giang có hệ thống đa dạng các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cuốn hút. Tây Yên Tử là ngôi chùa lớn với kết cấu kiến trúc cực kỳ độc lạ. Tổng thể nó được chia thành 3 khu vực riêng biệt. Những trải nghiệm bạn sẽ có được khi đến với Tây Yên Tử như: tìm hiểu về phật giáo và cuộc đời của Phật Hoàng, khám phá kiến trúc độc đáo của Tây Yên Tử, khám phá di tích Việt và nền văn hoá lâu đời.
Hành lễ dâng hương tại Phủ Dầy (Nam Định) linh thiêng
Phủ Dầy là một quần thể di tích nổi tiếng tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Nơi đây thờ Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên - Mẫu Liễu Hạnh và một số vị thánh khác. Nhưng trong quần thể di tích này thì Mẫu Liễu Hạnh vẫn là vị thánh được thờ ở vị trí cao nhất.
Hằng năm cứ vào dịp đầu xuân năm mới, đền lại mở cửa đón hàng ngàn con hương đệ tử tứ phương về bái lễ. Người ta đến thỉnh Mẫu để xin Mẫu phù hộ độ trì cho gia đạo ấm êm, năm mới như ý, công việc thuận lợi, vạn sự hanh thông. Đặc biệt, tại đây có lễ hội Phủ Dầy lớn vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội Phủ Dầy được đánh giá là lễ hội lớn và đặc sắc nhất mà không nơi nào có được.
Đền An Dương Vương - ngôi đền linh thiêng giữa thành Cổ Loa
Đền An Dương Vương - hay Đền Thượng, được xây dựng trên một gò đất cao dưới chân lũy thành của kinh đô u Lạc xưa. Theo dân gian đó là đầu con rồng, chẳng rõ được xây từ bao giờ. Cổng đền được xây theo dạng Tam quan bề thế. Bậc tam quan cấp trước cổng có đôi rồng đá là di vật đời Trần và Lê sơ. Phía tây đền An Dương Vương, xưa kia vua lập miếu thờ Thần Nông. Nơi đây lưu giữ các bia đá cổ, trong đó có ba bia khắc năm 1606.
Khuôn viên đền thờ được cho là mắt rồng của thành Cổ Loa. Một hố luôn đầy ắp nước, trong khi hồ kia luôn cạn ngay những ngày mưa như trút. Tương truyền, đem nước giếng này rửa ngọc trai thì sáng vô cùng.
Chùa Thầy (Hà Nội)
Ngôi chùa này nổi tiếng với cảnh quan non nước hữu tình. Chùa Thầy được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1127) còn là nơi lưu dấu tu hành của một vị cao tăng - thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Dưới hang Cắc Cớ - cụm chùa Thầy có một ban thờ Cậu Bé. Tượng có một mỏm nhỏ, gọi là tim tượng. Ai đến đó, nam tay trái, nữ tay phải, xoa tay ba vòng sẽ tìm được người thương. Ai đã có người yêu hay gia đình thì xoa hai tay vào tim tượng để tình duyên bền lâu. Vợ chồng nào hiếm muộn đến đó xoa đầu cậu để xin có con. Đến lễ cậu, nhớ chuẩn bị 3 điếu thuốc, lá trầu quả cau, hương nến và bánh kẹo.
Chùa Tam Chúc (Hà Nam)
Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất Việt Nam ngày nay, được xây dựng trên nền Tam Chúc cổ tự có niên đại hơn 1000 năm ở Hà Nam.
Tọa lạc tại một vị trí vô cùng đắc địa về mặt tâm linh khi phía sau chùa là Thất Tinh, còn mặt trước là hồ Lục Nhạc. Trong đó có 6 hòn đảo mà theo tương truyền, đây tượng trưng cho 6 chiếc chuông được trời ban. Tới đây vào dịp tháng Giêng - tháng 3 là mùa lễ hội. Sẽ có nhiều hoạt động vui chơi diễn ra vào khoảng thời gian này.
Ảnh: Sưu tầm