Tô Châu Viên Lâm - Đặc trưng văn hóa kiến trúc Trung Hoa

  Nhắc đến kiến trúc truyền thống của Trung Quốc, không thể không đề cập tới viên lâm Tô Châu. Trong câu tục ngữ "trời có thiên đàng, đất có Tô Hàng", Tô Châu được so với thiên đường vì xưa nay Tô Châu nổi tiếng có nhiều khu vườn thanh nhã.
  Lịch sử của vườn viên lâm cổ điển Tô Châu có thể bắt nguồn từ Viên Hựu của Chúa Ngô thời kỳ Xuân Thu vào thế kỷ thứ 6 TCN. Viên lâm tư gia sớm nhất được ghi chép là Bích Cương Viên của nhà Đông Tấn vào thế kỷ thứ 4.
  Nghệ thuật làm vườn của Trung Quốc có nguồn gốc lịch sử gắn bó với nền nghệ thuật văn học và hội họa, nhất là ảnh hưởng của nền văn học cổ điển cũng như hội họa sơn thủy truyền thống.
  Viên lâm tư gia Tô Châu nổi bật với sự sắc xảo, tự do, tinh tế và trang nhã, có diện tích nhỏ, áp dụng thủ pháp nghệ thuật không câu nệ và biến đổi khôn lường, với đặc trưng hoa chim nước non của Trung Hoa, đã tô điểm núi giả, cây xanh, sắp xếp đình đài lầu các cũng như đầm hồ cầu nhỏ trong một không gian có hạn, và để lại cho con người một hiệu quả nghệ thuật nhìn nhỏ thấy lớn.
Cre: Minh Minh